Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ðiều trị dự phòng phơi nhiễm HIV

Trong bối cảnh hiện chưa có vắc-xin để phòng ngừa thì phương pháp phòng ngừa bằng thuốc ARV (PrEP)  được coi là giải pháp bổ sung dự phòng lây nhiễm HIV.

PrEP là một phương pháp  dự phòng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện từ nhiều năm nay. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Vì vậy, WHO khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.

Ðiều trị dự phòng phơi nhiễm HIVPrEP là một biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

PrEP là gì?

PrEP là từ viết tắt của Pre- exposure prophylaxis (Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm), là một lựa chọn phòng ngừa lây nhiễm HIV cho những người có hành vi  nguy cơ cao. PrEp được sử dụng liên tục dưới dạng thuốc viên, uống mỗi ngày phối hợp cùng với các biện pháp phòng ngừa khác như bao cao su…

Thuốc PrEP có thể tương tự một số thành phần của thuốc kháng virus (ARV). PrEp giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể chúng ta bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virut mới. Như vậy, mục tiêu của PrEP là để ngăn ngừa bị lây nhiễm HIV trong trường hợp bạn có nguy cơ phơi nhiễm với virut bằng việc uống thuốc mỗi ngày.

Tại sao phải dùng PrEP?

Bao cao su cho nam giiới và phụ nữ khi sử dụng thường xuyên và đúng cách có hiệu quả rất cao trong việc dự phòng HIV. Mặc dù bao cao su rất hiệu quả đối với nhiều người, nhưng việc xem bao cao su là một biện pháp ngăn chặn HIV duy nhất, được mọi người chấp nhận là không thực tế. Chính vì vậy, PrEP  là một biện pháp lựa chọn bổ sung cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao (không phải tất cả mọi người) trong gói dịch vụ dự phòng kết hợp như bao cao su và chất bôi trơn, sàng lọc và điều trị  các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị ARV. Các cá nhân có thể cần các phương án dự phòng HIV khác nhau trong các giai đoạn khác nhau trong đời sống của mình vì hoàn cảnh của họ cũng có thể thay đổi.

Điều trị PrEP như thế nào thì hiệu quả?

WHO khuyến cao dùng PrEP có chứa tenofovir-TDF hoặc viên kết hợp tenofovir/TDF 300mg+ emtricitabine/FTC 200mg) bằng đường uống với liều dùng hàng ngày (1 viên/ngày).

Sau khi uống liên tục 7 ngày thì thuốc có hiệu lực tối đa dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường hậu môn và sau khi uống liên tục 21 ngày thì thuốc mới có hiệu lực tối đa dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc đường máu.

Việc tuân thủ uống thuốc hàng ngày là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả dự phòng HIV tối đa (giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới >90%). Tuy nhiên, nếu dùng thuốc đủ 4 ngày thì cũng đã có hiệu lực bảo vệ đối với dự phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường hậu môn. Kết quả nghiên cứu ban đầu cũng cho biết, nếu dùng đủ 7 ngày thì cũng có hiệu lực bảo vệ đối với dự phòng lây nhiễm qua quan hệ tình dục đường âm đạo.

 

PrEP được khuyến cáo dùng cho những người chưa nhiễm HIV, nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao, như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW), bạn tình HIV âm tính của các cặp bạn tình dị nhiễm (một người nhiễm HIV và một người chưa nhiễm HIV), người tiêm chích ma tuý.Cũng cần nhấn mạnh rằng, PrEP không phải là thần dược, nó chỉ là một biện pháp tình thế rất quan trọng và có hiệu lực khi chưa phát minh được vắc-xin chống HIV và bổ sung vào như là một can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV.

 

 

Nguyễn Hải

0 nhận xét:

Đăng nhận xét